Zara được biết đến là một nhãn hiệu thời trang và phụ kiện trực thuộc tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha. Thương hiệu này là sự kết hợp của các xu hướng thời trang mới nhất, chất lượng tốt, giá cả phải chăng nên dễ dàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, Zara đã góp phần không nhỏ đưa tập đoàn Inditex trở thành nhà bán lẻ hàng đầu nhất thế giới. 

Zara được thành lập vào năm 1975 bởi ông Amancio Ortega và bà Rosalía Mera. Trước đó, ông Ortega đã thành lập một nhà máy Inditex chuyên sản xuất trang phục nữ giới vào năm 1963. Mười năm sau, ông mở cửa hàng đặt tên là Zorba ở La Coruna, Tây Ban Nha với ngân sách chỉ 30 Euro. Sau đó, cửa hàng đã được ông đổi tên thành Zara mà không hề có tính toán cụ thể nào. Chính sự vô tình này đã khai sinh nên thương hiệu thời trang phủ sóng trên toàn thế giới. 

Sau khi đổi tên, Zara nhanh chóng phất lên, mở rộng phạm vi hoạt động, từ một thị trấn ra toàn bộ đất nước Tây Ban Nha rồi vươn mình đến Bồ Đào Nha. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, các cửa hàng Zara đã có mặt tại Hoa Kỳ, Pháp và hầu hết các nước Châu Âu. Tính đến thời điểm hiện tại, Zara đang sở hữu hơn 6500 cửa hàng ở 88 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu này cũng đã đưa nhà sáng lập Amancio Ortega trở thành người giàu có thứ hai trên thế giới vào năm 2017.

Các sản phẩm của Zara rất đa dạng, bao gồm quần áo, giày dép, nước hoa, túi xách, phụ kiện, vali Zara và một số sản phẩm thuộc ngành hàng hành lý khác. Bí quyết thành công của thương hiệu này nằm ở tốc độ bắt kịp xu hướng thời trang và liên tục thay đổi mẫu mã. Thông thường, Zara chỉ mất từ 1 đến 2 tuần để phát triển và cho ra mắt một sản phẩm mới, trong khi các thương hiệu thời trang khác phải tốn từ 3 đến 6 tháng. Đó chính là bí quyết giúp Zara đánh bại những nhãn hàng khác cùng phân khúc, đáp ứng được nhu cầu mua sắm không ngừng của giới trẻ hiện nay.

Đối với nhà sáng lập Ortega, ông xem quần áo là loại vật dụng dễ hỏng, nhanh đào thải và chỉ thích sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, các mặt hàng tại cửa hàng Zara liên tục thay đổi. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Những người theo chủ nghĩa phát triển bền vững, giảm thiểu rác thải coi những thương hiệu thời trang như Zara là nguồn cơn của ô nhiễm môi trường, Chính việc thúc đẩy tiêu thụ thời trang một cách quá mức khiến lượng quần áo cũ không thể xử lý và bị ném ra môi trường một cách vô tội vạ.

Tuy nhiên đến nay không ai có thể phủ nhận thành công của Zara. Mỗi thương hiệu đều có con đường phát triển riêng và Zara đã chứng minh con đường mình đi là đúng đắn với những thành công vang dội, tạo nên một đế chế thời trang nhanh vững mạnh.